Vôi hóa cột sống có ít khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng đau nhức, co cứng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, công việc của người mắc. Nguyên nhân hình thành bệnh do đâu? Điều trị thế nào? Cùng tìm hiểu thông tin cụ thể về bệnh trong bài viết dưới đây!
Vôi hóa cột sống là gì?
Vôi hóa cột sống thuộc nhóm bệnh về xương khớp – cột sống, chỉ dấu hiệu lão hóa của cột sống. Cụ thể, đây là hiện tượng Canxi lắng tụ tại dây chằng bám vào các mấu ngang ở cột sống, thân đốt sống hoặc các mỏm gai. Tình trạng lắng tụ này khiến các dây thần kinh, mạch máu xung quanh bị chèn ép gây ra các cơn đau nhức. Quá trình vận động do đó gặp khó khăn rất nhiều.

Do liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên càng cao tuổi tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Ngoài ra, việc hoạt động sai tư thế, sinh hoạt không khoa học và ảnh hưởng của một số bệnh lý xương khớp khác cũng có thể là nguyên nhân hình bệnh.
Tùy vào vị trí cột sống bị thoái hóa mà bệnh nhân có thể bị chẩn đoán là vôi cột sống cổ, cột sống lưng hay vôi cột sống thắt lưng. Các bác sĩ cho biết, đặc điểm và tính chất của bệnh có nhiều điểm tương đồng với bệnh lý gai cột sống.
Nguyên nhân gây vôi hóa cột sống
Như đã thông tin, vôi hóa cột sống là bệnh lý liên quan đến sự lão hóa cột sống. Do vậy, yếu tố tuổi tác là nguyên nhân phổ biến hàng đầu dẫn đến việc hình thành bệnh. Cụ thể, bạn có thể mắc bệnh do các nguyên nhân sau đây:
- Lão hóa của cơ thể: Tuổi tác càng cao các cơ quan hoạt động càng kém, quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng bị suy giảm. Xương khớp, sụn và đĩa đệm nhanh chóng bị thoái hóa.
- Lưu thông máu trong cơ thể gặp vấn đề: Tuần hoàn máu trong cơ thể nếu gặp phải vấn để có thể làm tăng nguy cơ cột sống bị thoái hóa, xương khớp dễ bị gãy. Cụ thể, máu mang oxy và dưỡng chất cần thiết cung cấp, nuôi dưỡng cột sống. Khi quá trình này không suôn sẻ dẫn đến việc cột sống không nhận được nguồn dưỡng chất cần thiết. Tình trạng này kéo dài dẫn đến cột sống bị thoái hóa.
- Ảnh hưởng của quá trình vận động: Vôi hóa cột sống có nguy cơ mắc cao hơn ở những người ít vận động hoặc vận động gắng sức. Nếu đứng lâu hoặc ngồi quá lâu một chỗ khả năng khớp xương bị co cứng rất cao, lâu ngày sẽ dẫn đến việc hoạt động không linh hoạt, hình thành các vấn đề gây chèn ép dây thần kinh và cột sống.
- Ăn uống: Nguyên nhân hình thành bệnh có thể do bạn ăn uống thiếu chất, cơ thể không được bổ sung đủ dinh dưỡng. Đặc biệt trong đó phải kể đến các loại Vitamin, khoáng chất tốt cho sự phát triển của cột sống như Canxi, Vitamin D, sắt…
- Thừa cân, béo phì: Tốc độ thoái hóa xương khớp ở người thừa cân béo phì cao hơn người bình thường. Các bác sĩ cho biết, khi béo phì cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn trong việc nâng đỡ phần trên của cơ thể người béo phì.
- Thường xuyên hút thuốc lá: Trong thành phần của thuốc lá có chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến chức năng và tăng nguy cơ làm thoái hóa cột sống. Tình trạng vôi hóa cột sống từ đây mà hình thành.
- Chấn thương: Người có các chấn thương xảy ra ở vùng cột sống nếu không điều trị can thiệp từ sớm có khả năng thoái hóa rất cao. Đây cũng là nguyên nhân kích thích sự tích tụ Canxi trong cơ thể để bù đắp các thiếu hụt ở cột sống.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, nhiễm trùng dẫn đến viêm khớp cũng là yếu tố thúc đẩy việc hình thành bệnh. Người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân mắc bệnh thông qua các biện pháp chụp chiếu Y khoa để quá trình điều trị đạt được kết quả nhanh chóng.
Dấu hiệu vôi hóa cột sống
Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện theo chu kỳ hoặc kéo dài dai dẳng. Các dấu hiệu bùng phát đột ngột rồi sau đó từ từ thuyên giảm. Cụ thể, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng cụ thể sau đây:
- Đau nhức: Vùng cột sống bị thoái hóa gặp phải tình trạng đau nhức. Trong trường hợp bệnh chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh cơn đau dữ dội hơn và chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh. Với các trường hợp người bệnh mắc vôi hóa cột sống cổ đau nhức có thể lan xuống cánh tay, cột sống thắt lưng hình thành nên tình trạng đau lưng, đau nhức dọc chân.
- Tê bì: Người bệnh bị tê bì, bàn tay, bàn tay nóng ran và có cảm giác như kiến bò. Đây là ảnh hưởng của việc mỏm gai chèn ép lên tủy sống, dây thần kinh xung quanh.

- Rối loạn cột sống: Trong trường hợp vận động quá sức hoặc khi thời tiết thay đổi, người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng rối loạn cột sống. Tình trạng này kèm theo các cơn đau.
- Cứng các khớp: Khớp cổ, đùi, hông và bả vai có dấu hiệu bị co cứng, khó cử động. Tùy vào vị trí cột sống bị vôi hóa mà khớp co cứng sẽ khác nhau.
Vôi hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Bệnh viện YHCT Quân đội) cho biết, trên thực tế vôi hóa cột sống sẽ không trực tiếp cướp đi mạng sống của của người mắc. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cũng rất ít. Tuy nhiên, người bệnh không thể chủ quan trong phòng ngừa và điều trị bệnh.
Tình trạng mỏm gai chèn ép lên vùng dây thần kinh và tủy sống quá lâu có thể khiến người bệnh bị teo cơ lâu dần có thể dẫn tới bại liệt. Bởi vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên, bạn nên chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị đúng cách, hiệu quả.
Vôi hóa cột sống có chữa được không?
Bệnh có thể chữa được nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đây là bệnh lý xương khớp – cột sống mạn tính hình thành chủ yếu do ảnh hưởng của quá trình lão hóa của cơ thể. Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Một số cách chữa bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay là:
- Chiếu tia hồng ngoại/đèn: Phương pháp được dùng trong các trường hợp vôi hóa cột sống thể nhẹ. Việc chiếu đèn hoặc tia hồng ngoại vào vị trí đau có tác dụng làm giãn cơ, dây chằng. Các cơn đau do ảnh hưởng của bệnh lý cũng giảm đi đáng kể.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Nếu các triệu chứng của bệnh trở nặng thì người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc giảm đau, chống viêm. Thuốc được kê nhằm giảm tần suất các cơn đau, mang lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày, đường ruột… Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc giãn cơ: Các loại thuốc giãn cơ được sử dụng nhằm mục đích cải thiện tình trạng co cứng, giảm đau cho người bệnh vôi hóa cột sống. Tương tự như thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc giãn cơ gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng: đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, thay đổi màu nước tiểu… Việc điều trị bằng thuốc cần hết sức cẩn trọng.
Trên đây là thông tin tổng hợp của chúng tôi về bệnh vôi hóa cột sống. Hiểu rõ nguyên nhân hình thành và các triệu chứng của bệnh giúp bạn có cách xử lý phù hợp khi gặp phải tình trạng này. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và thành công!