Trượt đốt sống lưng là một tình trạng khá nguy hiểm và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy, bản chất của căn bệnh này là gì? Chúng có thể chia thành mấy dạng và người bệnh cần làm gì để khắc phục tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến căn bệnh này.
Tìm hiểu trượt đốt sống lưng là gì?
Trượt đốt sống lưng là một dạng trượt đốt sống xảy ra ở vị trí các đốt sống lưng. Theo đó, khái niệm trượt đốt sống trong y khoa được dùng để chỉ tình trạng đốt sống bên trên trượt ra phía trước hoặc phía sau đốt sống dưới. ĐIều này khiến cho cột sống người bệnh bị biến dạng và mất đi đường cong tự nhiên.
Đồng thời, gây ra tình trạng chèn ép các cơ quan xung quanh như mạch máu, dây thần kinh, dây chằng, tủy sống. Từ đó, người bệnh sẽ thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau thắt vùng lưng, cơn đau lan rộng xuống một hoặc hai chân, khiến sự vận động, đi đứng gặp nhiều trở ngại và khó khăn.
Trượt đốt sống lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Song, theo quy ước của Wiltse- Newman, tình trạng này sẽ được chia thành 6 loại, tương ứng với 6 nhóm lý do. Thứ nhất là trượt đốt sống bẩm sinh do rối loạn phát triển thời niên thiếu, gây ra thiếu sản phần trên của xương cùng.
Dạng thứ hai là trượt đốt sống do khuyết eo, bao gồm khuyết eo do gãy mệt, khuyết eo do sự gãy- liền xương vùng eo xảy ra liền lúc và gãy eo do chấn thương. Dạng trượt đốt sống thứ ba có nguồn gốc từ sự thoái hóa, đặc biệt là thoái hóa đĩa đệm khiến cho tính bền vững của cột sống bị giảm sút.

Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu như người bệnh gặp phải các chấn thương (dạng trượt đốt sống thứ 4) hoặc mắc phải các bệnh lý nhiễm khuẩn, ung thư gây phá hủy cấu trúc cột sống (dạng trượt đốt sống thứ 5). Ngoài ra, trượt đốt sống cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật cắt cung sau, khiến cấu trúc cột sống bị mất đi tính bền vững trước đó (trượt cột sống dạng thứ 6).
Ngoài các chia theo nguyên nhân, người ta còn chia bệnh trượt đốt sống lưng thành 5 mức độ khác nhau, tương đương với khoảng cách trượt với độ rộng của thân đốt sống. Ở cấp độ 1, mức độ trượt chiếm từ 0-25% thân đốt sống. Con số này tăng lên 26-50% khi sang cấp độ 2, 51-75% tương đương với cấp độ 3 và 76-100% tương đương với cấp độ 4. Riêng với cấp độ 5, đốt sống đã bị trượt hoàn toàn, đốt trên rơi khỏi bề mặt của thân đốt dưới.
Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?
Trượt đốt sống lưng tuy không đe dọa tới tính mạng người bệnh, song những biến chứng mà chúng gây ra lại ảnh hưởng lớn tới khả năng đi lại và vận động của người bệnh. Hơn nữa, do các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, các cơn đau lưng chỉ thoáng qua nên người bệnh dễ rơi vào chủ quan. Khi phát hiện ra bệnh thì tình trạng trượt đốt sống đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Cụ thể, ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đau lưng nhiều. Cơn đau tăng lên khi bệnh nhân đi, đứng quá lâu, cúi ngửa cột sống, khi lao động, tập thể dục hoặc khi ho, hắt hơi. Sau đó, cơn đau có thể lan rộng xuống vùng mông, đùi, cẳng chân, bàn chân và có thể kèm theo cảm giác tê buốt nếu như rễ thần kinh bị chèn ép.
Tuy nhiên, khi nằm nghỉ ngơi thì cơn đau lại giảm. Nếu trong quá trình thăm khám, người bệnh được chẩn đoán trượt đốt sống lưng dưới 50% do nguyên nhân khuyết eo đốt sống thì không có gì đáng lo ngại. Bởi trong những trường hợp như vậy, nhiều người có thể không thấy đau và không cần điều trị.
Tuy nhiên, nếu như trượt đốt sống do khuyết eo ở cấp độ nặng (tức trên 50% bề mặt thân đốt sống) thì người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ bị gù. Song, trường hợp này cũng khá hiếm gặp, thường chỉ chiếm khoảng 10% các ca trượt đốt sống và thường gặp chủ yếu ở độ tuổi thiếu niên. Do đường cong tự nhiên của cột sống lúc này không còn nữa, dáng đi của người bệnh sẽ bị biến dạng rất nhiều.
Thông thường, họ sẽ đi khom lưng về phía trước hoặc dáng người vẹo hẳn sang một bên. Nhìn xa, trông họ sẽ giống như một đứa trẻ đang tập đi vậy. Với trường hợp này, người bệnh cần chữa trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu để lâu, khung chậu cũng sẽ bị ảnh hưởng và gây teo cơ mông do không hoạt động lâu ngày.
Bị trượt đốt sống lưng phải làm sao?
Tình trạng trượt đốt sống lưng hoàn toàn có thể cải thiện, chữa trị hoặc khắc phục bằng một số biện pháp dưới đây.
Thực hiện các bài tập
Khi tình trạng trượt đốt sống còn ở giai đoạn nhẹ, việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện các bài tập thể dục thể thao có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng. Bởi lẽ, các bài tập này không chỉ giúp hệ cơ xương của bạn thêm dẻo dai, khỏe mạnh mà còn giúp cơ thể thư giãn, giảm stress và ngăn ngừa béo phì-những tác nhân vốn làm bệnh thêm trầm trọng. Tuy nhiên, bạn cũng cần lựa chọn các bài tập sao cho phù hợp, đồng thời tránh việc tập luyện quá sức để ngăn ngừa các chấn thương xảy ra.
Điều trị nội khoa
Điều trị theo hướng bảo tồn bằng các phương pháp nội khoa vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong chữa trị các bệnh. Và bệnh trượt đốt sống lưng cũng thế. Trong phần lớn các trường hợp, người bệnh đều có đáp ứng tốt với phương pháp này và có sự cải thiện rõ rệt đối với các triệu chứng. Theo đó, với những bệnh nhân nhỏ tuổi, các bác sĩ sẽ chỉ định mặc áo cố định bên ngoài, đồng thời dặn người bệnh hạn chế vận động hoặc thực hiện cách động tác gây đau.

Riêng với người trưởng thành, ngoài việc cố định ngoài và nghỉ ngơi trong các đợt đau cấp tính, người bệnh vẫn cần thực hiện thêm một số phương pháp điều trị khác. Ví dụ như sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau; tiến hành vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho các vùng cơ lưng, bụng, đùi và hồi phục chức năng cho vùng lưng. Với người bị béo phì, việc giảm cân là bắt buộc để hạn chế việc gây áp lực lên phần cột sống của cơ thế.
Phẫu thuật
Can thiệp phẫu thuật ít khi được khuyến khích trong điều trị trượt đốt sống lưng. Tuy nhiên, nếu việc điều trị bảo tồn trong thời gian dài không đem lại hiệu quả, hoặc người bệnh không đáp ứng với việc nghỉ ngơi về dùng thuốc thì phẫu thuật là điều cần thiết. Phương pháp này cũng áp dụng với trường hợp bệnh đã tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như liệt vận động, teo cơ, rối loạn tiểu tiện, bí tiểu do không kiểm soát được hoạt động của bàng quang.
Hiện tại, phương pháp phẫu thuật trượt đốt sống lưng hiệu quả nhất chính là phẫu thuật nắn chỉnh và cố định cột sống bằng nẹp vít cuống đốt. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành ghép xương liền thân đối lối để tạo sự liền xương sau phẫu thuật. Đây cũng là kỹ thuật được áp dụng phổ biến và rộng rãi nhất cho nhiều trường hợp các ca bệnh.
Việc can thiệp phẫu thuật không chỉ nhằm mục đích giải phóng sự chèn ép thần kinh mà còn cần đảm bảo cột sống được giữ vững cấu trúc. Đồng thời, đảm bảo hệ thống xương sau phẫu thuật được nối liền trở lại.
Trên đây là phần tổng hợp những thông tin liên quan đến tình trạng trượt đốt sống lưng cũng như hướng điều trị cho từng trường hợp. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!