Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh là một bệnh lý liên quan đến xương khớp có tỷ lệ mắc khá cao ở nước ta và một điều đáng báo động là chứng bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy bệnh chèn dây thần kinh là căn bệnh như thế nào? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu qua bài viết sau.
Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh là gì? Nguyên nhân do đâu?

Đĩa đệm là bộ phận nằm giữa hai đốt sống liên tiếp được cấu tạo từ hai phần gồm bao xơ phía ngoài và khối nhân nhầy phía trong. Đĩa đệm có chức năng co giãn và giúp các đốt sống không bị cọ vào nhau trong khi hoạt động.
Đây là tình trạng chứng bệnh về cột sống xảy ra khi khối nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường và chèn ép lên dây thần kinh. Bệnh lý này đôi khi không được phát hiện sớm vì thường phát triển âm thầm trong một khoảng thời gian dài với các biểu hiện đau âm ỉ, đau ít hoặc nhiều tùy vào mức độ đè ép lên dây thần kinh.
Thoát vị đĩa đệm thường là hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi tuổi tác tăng cao, hiện tượng mất nước tại nhân đĩa đệm sẽ càng trầm trọng. Điều này khiến đĩa đệm trở nên giòn hơn, dễ rạn nứt và gãy, thậm chí chỉ một động tác vươn hoặc xoay người cũng có thể khiến đĩa đệm gặp thương tổn.
Rất nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra chứng bệnh này, trong đó yếu tố phổ biến hơn cả là chấn thương tại cột sống, tiếp theo là làm việc sai tư thế. Các chấn thương làm ảnh hưởng tới cột sống như động tác nghiêng người, xoay người, cúi nhấc vật nặng; chấn thương trực tiếp ở khu vực cột sống hay đập mông xuống đất vì ngã ngồi.
Những chấn thương trên có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh vì khiến cột sống phải chịu đựng một áp lực lớn cộng với sự phân bố lực không đồng đều tại đĩa đệm làm cho phía trước cột sống, khe giữa hai đốt sống thu hẹp lại, ngày càng ép sát hơn vào mặt trước đĩa đệm. Trong khi đó ở phía sau, khe đĩa đệm lại mở rộng ra, làm cho khối nhân nhầy thoát ra ngoài qua lỗ rách và đi vào trong ống sống, đè ép lên dây thần kinh hay tủy sống.
Nếu không được phát hiện kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, tình trạng bệnh sẽ ngày càng xấu đi và kéo theo nhiều hậu quả nặng nề như teo cơ, hạn chế chức năng vận động hoặc thậm chí là mất khả năng di chuyển. Để có thể phát hiện bệnh sớm, bạn cần biết được các dấu hiệu thường gặp của bệnh.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh
Các triệu chứng bệnh sẽ có sự khác nhau trên từng người bệnh tùy vào vị trí xảy ra thoát vị chèn dây thần kinh, cụ thể:
- Bệnh chèn dây thần kinh cổ: Tê đau, nhức mỏi khu vực vai gáy, nhất là khi ngửa cổ, xoay cổ, cúi cổ thường xuyên. Sau một thời gian sẽ xuất hiện hiện tượng đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh bị đè ép. Cơn đau có thể lan từ cánh tay xuống tới cẳng tay, cổ tay, bàn tay và cả ngón tay.
- Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh tọa: Xuất hiện cơn đau âm ỉ ở khu vực thắt lưng, hông và mông sau đó lan dần xuống dưới đùi, cẳng chân và bàn chân.
- Cơn đau tăng lên khi người bệnh di chuyển, vận động và giảm nhẹ khi nằm, ngồi, không hoạt động.
- Tại khu vực đau nhức còn có cảm giác như bị kim châm vừa ngứa ran.
- Đau ê ẩm, nhức mỏi lưng, thắt lưng, vai sau khi hoạt động, chức năng vận động cũng bị hạn chế.
- Co giật cơ nhẹ, yếu cơ, nguy cơ teo cơ nhị đầu, cơ tam đầu, cơ kẽ xương. Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân còn có nguy cơ tàn phế do khối thoát vị chèn ép lên tủy cổ.
- Giảm phản xạ gân xương.
- Xuất hiện cảm giác căng tức khi ấn vào các điểm nằm dọc trên đường đi của rễ thần kinh.
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh
Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như rối loạn cảm giác, rối loạn đại/tiểu tiện, rối loạn chức năng vận động, tàn phế, teo cơ, thậm chí bại liệt. Việc áp dụng phương pháp trị liệu nào còn phụ thuộc vào tính chất, vị trí tổn thương cũng như mức độ ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Nếu bệnh được phát hiện sớm và còn ở giai đoạn nhẹ, chưa đến mức quá nặng thì các biện pháp điều trị nội khoa sẽ được ưu tiên áp dụng. Trường hợp bệnh đã ở giai đoạn nặng do không phát hiện hoặc không chữa trị kịp thời và các biện pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả thì bệnh nhân có thể sẽ cần tiến hành phẫu thuật.

Phương pháp điều trị nội khoa bao gồm các hình thức: Sử dụng thuốc, đắp bùn, tắm khoáng, vật lý trị liệu, xoa bóp, điện phân, chiếu tia hồng ngoại, chiếu đèn sóng ngắn,… ngoài ra cũng có thể tiến hành kéo giãn cột sống để làm giảm các triệu chứng do bệnh gây ra.
Điều trị bằng thuốc là biện pháp được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Các thuốc thường dùng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh bao gồm:
- Thuốc kháng viêm giảm đau không steroid: Điển hình là meloxicam, diclofenac,… tiêm, uống hoặc bôi
- Thuốc giảm đau: Paracetamol
- Thuốc giãn cơ: Myonal, mydocalm
- Các thuốc tác động tới hệ thần kinh như: Thuốc bổ (vitamin B12, B6, B1) và thuốc giảm đau (neurontin)
Với các trường hợp nặng, bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt đi phần đĩa đệm đang bị thoát vị. Việc này sẽ giúp áp lực tác động lên hệ thần kinh giảm đi, đồng thời cải thiện các biểu hiện bệnh. Các cách mổ thoát vị phổ biến là mổ vi phẫu, mổ nội soi và mổ hở truyền thống.
Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh là chứng bệnh nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời, đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám ngay nếu phát hiện bản thân có bất kì dấu hiệu nghi ngờ nào.