Thoái hóa cột sống là căn bệnh khá quen thuộc và được nhắc đến rất nhiều. Nhưng thoái hóa cột sống M47 thì có vẻ khá xa lạ với nhiều người. Vậy, bản chất của căn bệnh này là gì? Liệu chúng có nguy hiểm với sức khỏe hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Thoái hóa cột sống M47 là gì?

Đây thực chất là một cách gọi khác của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Trong đó, M47 là một dạng mã hóa bệnh tật theo ICD-10 do tổ chức y tế thế giới WHO quy định. Điều này cũng tương tự như việc ký hiệu bệnh viêm xoang là J32, viêm khớp là M13 và đau cột sống là M54.
Thoái hóa cột sống M47 hiểu đơn giản là tình trạng tổn thương ở tất cả các bộ phận trong khu vực cột sống thắt lưng. Chúng bao gồm các tổn thương ở tất cả các sụn, khớp, dây chằng, đĩa đệm và đốt sống ở vùng lưng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát phần lớn từ sự lão hóa tự nhiên, bởi khi tuổi càng cao thì độ dẻo dai, linh hoạt của cột sống càng giảm.
Trong đó, thắt lưng chính là vị trí dễ bị thoái hóa nhất do chúng phải gánh chịu nhiều áp lực nhất của cột sống. Tuy nhiên, căn bệnh này đang dần có xu hướng trẻ hóa bởi sự tích lũy những thói quen xấu hình thành trong xã hội hiện đại đầy bận rộn. Thoái hóa cột sống M47 cũng có thể xảy ra một cách đột ngột do chấn thương, tai nạn, hoặc xảy ra với người rất trẻ do ảnh hưởng của yếu tố di truyền.
Thoái hóa cột sống M47 có nguy hiểm không?
Bệnh tuy không đe dọa tới tính mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống. Bệnh diễn ra âm thầm, âm ỉ qua từng ngày nhưng lại gần như không thể chữa trị khỏi hoàn toàn. Vì thế, nó tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.
Khi bị bệnh, người bệnh sẽ phải hứng chịu các cơn đau âm ỉ và nhức nhối vùng lưng dưới. Thậm chí, các cơn đau này còn có thể lan xuống cả vùng mông, bẹn, đùi và cả hai chân. Cơn đau tăng lên và dữ dội hơn khi người bệnh xoay vặn người, mang vác vật nặng hoặc khi hoạt động với cường độ cao. Việc nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng tạm thời. Tuy nhiên, nếu việc nghỉ ngơi kéo dài thì cột sống lại bị cứng lại và cơn đau càng trở nên tồi tệ hơn.
Song song với các cơn đau, tình trạng cứng khớp và cứng cơ vùng lưng của bệnh thoái hóa cột sống M47 cũng rất thường xuyên xảy ra với người bệnh, đặc biệt là khi họ mới ngủ dậy vào buổi sáng. Do các cơ quanh khu vực này bị co cứng lại, khả năng vận động của người bệnh sẽ bị hạn chế. Điều này không chỉ khiến cho người bệnh khó di chuyển hơn, khiến dáng đi bị biến dạng mà còn gây trở ngại lớn đến khả năng lao động của họ. Tuy nhiên, nếu người bệnh hạn chế đi lại thì lại khiến cơ bị teo và yếu đi, khiến việc vận động người càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, khi bị thoái hóa cột sống M47, người bệnh cũng phải đối mặt với nguy cơ bị biến dạng cột sống. Do các khớp xương bị thoái hóa và các bộ phận xung quanh như dây chằng, đĩa đệm không còn đảm bảo được chức năng ban đầu, chỉ cần một sơ sảy nhỏ cũng có thể khiến cột sống bị cong vẹo. Thậm chí, nguy hiểm hơn là bị trượt đốt sống hoặc xẹp lún gây chèn ép rễ thần kinh. Ở giai đoạn nặng, thân đốt sống trở nên giòn xốp hơn, do đó rất dễ bị vỡ hoặc tổn thương nghiêm trọng. Tất cả những điều này đều khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bị bại liệt hoàn toàn hoặc liệt nửa người, hoàn toàn mất đi khả năng lao động và di chuyển.
Chẩn đoán thoái hóa cột sống M47
Giống như các dạng thoái hóa khác, bệnh cũng không có nhiều triệu chứng điển hình ở giai đoạn ban đầu. Vì thế, để chẩn đoán chính xác bệnh, các bác sĩ thường phải dựa trên các kết quả khám sức khỏe, xét nghiệm hình ảnh và phân tích các triệu chứng cận lâm sàng.

Cụ thể, khi tiến hành khám sức khỏe, các bác sĩ sẽ quan sát tư thế tự nhiên của người bệnh và bề mặt vùng da bị ảnh hưởng. Đồng thời, dùng tay sờ vào các vùng mềm để kiểm tra mức độ cơ thắt cơ, sức mạnh của cơ, cảm giác ở da và các phản xạ thông thường ở người bệnh.
Các bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh di chuyển trong một phạm vi nhất định để xem mức độ linh hoạt của các khớp, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác. Ngoài ra, để xác định nguyên nhân của cơn đau, các bác sĩ cũng có thể tiêm thuốc gây tê cục bộ vào vùng khớp hoặc khu vực gần dây thần kinh vùng bị đau. Nếu người bệnh chỉ thấy đau nhẹ, thì các triệu chứng có thể do ảnh hưởng của một vị trí khác trên cơ thể.
Thoái hóa cột sống M47 phải làm sao?
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Đây là căn bệnh xảy ra do sự lão hóa tự nhiên và sự tích lũy các thói quen xấu hàng ngày. Vì thế, thay đổi thói quen và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà chính là điều cần phải làm đầu tiên để hạn chế việc bệnh diễn tiến xấu hơn. Các biện pháp chăm sóc này bao gồm việc chườm nhiệt, xoa bóp, luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, điều chỉnh tư thế phù hợp, cân đối chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

Trong đó, riêng với việc chườm nhiệt, bạn cần chú ý việc thay đổi nhiệt độ chườm cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Hãy chườm lạnh khi có hiện tượng sưng viêm trong các cơn đau cấp tính. Trong khi đó, việc chườm nóng lại thích hợp hơn để làm giãn cơ, giảm cứng khớp và làm nóng, khởi động các khớp trước khi tham gia các hoạt động.
Các biện pháp can thiệp y tế
Các biện pháp can thiệp y tế là điều cần thiết và cần làm kịp thời để khắc phục triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng xấu xảy ra với người bệnh. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị theo hướng bảo tồn để tránh các rủi ro sau xảy ra khi phẫu thuật. Trong đó, sử dụng các loại thuốc Tây chữa thoái hóa cột sống M47 như Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc bôi dạng kem, xịt hoặc miếng dán giảm đau,… sẽ được ưu tiên áp dụng trước.
Trong trường hợp cơn đau quá dữ dội, thuốc giảm đau gây nghiện có thể được áp dụng nhưng cần chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Song song với đó, các biện pháp vật lý trị liệu cũng được khuyến khích thực hiện đồng thời để phòng chống teo cơ và cải thiện sự linh hoạt cho xương khớp và cột sống. Các phương pháp từ y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt cũng có thể được áp dụng để giảm đau và tăng lưu thông máu cho người bệnh.
Bên cạnh những phương pháp chữa trị quen thuộc bên trên, các bác sĩ cũng có thể tiến hành một số kỹ thuật y khoa khác để khắc phục các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống M47. Ví dụ như nắn chỉnh cột sống, kích thích dây thần kinh điện qua da, tiêm nội khớp bằng corticoid, huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tiêm tế bào gốc. Thông thường, chúng sẽ được áp dụng khi tình trạng người bệnh đã trở nặng.
Ngoài ra, khi người bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị không xâm lần thì các bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tiến hành phẫu thuật. Mặc dù phương pháp này không được khuyến khích áp dụng bởi nó có nhiều rủi ro, song đây là điều cần thiết khi không còn phương pháp phù hợp nào khác. Cần lưu ý rằng, việc phẫu thuật cột sống không thể chữa trị bệnh dứt điểm hoàn toàn và chúng hoàn toàn có thể tái phát trong tương lai.
Trên đây là tổng hợp những thông tin liên quan đến căn bệnh thoái hóa cột sống M47. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!