Phồng-lồi đĩa đệm là một trong những biểu hiện ban đầu của bệnh thoát vị đĩa đệm. Vậy, tình trạng này có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách khắc phục bệnh ra sao? Liệu có thể chữa trị dứt điểm tình trạng này hay không? Mời các bạn đón đọc và tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu phồng lồi đĩa đệm là gì?
Phồng lồi đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị biến dạng do lớp bao xơ bên ngoài bị suy yếu, khiến cho phần nhân nhầy bên trong bị lồi ra tại chính vị trí đó. Tuy nhiên, lúc này bao xơ vẫn chưa bị rách và nhân nhày vẫn chưa thoát ra ngoài. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, bao xơ sẽ rách ra và nhân nhày tràn ra ngoài hình thành các khối thoát vị. Lúc đó, chúng ta gọi đây là bệnh thoát vị đĩa đệm.
Như vậy, đây chính là triệu chứng ban đầu và là thể nhẹ của bệnh thoát vị đĩa đệm. Mặc dù các khối thoát vị lúc này chưa hình thành, song phần lồi lên của đĩa đệm vẫn gây chèn ép các cơ quan xung quanh như mạch máu, dây thần kinh,…
Do đó, người bệnh lồi đĩa đệm vẫn gặp phải các cơn đau nhức vùng lưng và cột sống. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của của cột sống, miễn là nơi đó có tồn tại đĩa đệm. Tuy nhiên, vị trí phổ biến và dễ bị phồng lồi nhất là ở vùng thắt lưng, ngực hoặc cổ.

Nguyên nhân gây lồi đĩa đệm
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bệnh. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân sau.
Yếu tố tuổi tác
Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh xuất hiện phổ biến ở độ tuổi già và trung niên, tức từ 40 tuổi trở ra. Tình trạng lồi đĩa đệm cũng vậy. Lý do là bởi bước vào độ tuổi này, cơ thể của con người sẽ bắt đầu quá trình lão hóa. Do đó, cấu trúc cột sống cũng dần dần suy yếu và thoái hóa nhanh hơn. Điều này dẫn tới việc đĩa đệm trở nên thô và xù xì hơn trước. Các cấu trúc liên kết của bao xơ cũng dần trở nên lỏng lẻo và độ đàn hồi kém. Vì thế, tình trạng bệnh dễ dàng xảy ra hơn.
Do chấn thương
Phồng lồi đĩa đệm xảy ra nhiều ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người trẻ sẽ không bao giờ mắc phải tình trạng này. Nếu gặp phải các chấn thương, đặc biệt là chấn thương vùng lưng và cột sống thì nguy cơ xảy ra tình trạng bệnh sẽ càng cao. Các chấn thương này có thể đến từ các tai nạn lao động, do ngã hoặc do tai nạn giao thông.
Do thói quen hàng ngày
Thông thường, tình trạng phồng lồi đĩa đệm sẽ diễn ra rất âm thầm và từ từ. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể xuất phát từ sự tích lũy các thói quen xấu hàng ngày, đặc biệt là các thói quen ngồi, đứng, nằm sai tư thế. Ví dụ như ngồi không thẳng lưng, áp đầu vào vai để nghe điện thoại, ngủ với gối cao, tư thế nằm không thoải mái,… Tất cả những điều này đều ít nhiều tác động một lực nhất định lên vùng cột sống và đĩa đệm, khiến chúng dần dần bị tổn thương và gây ra bệnh lý trên.
Bên cạnh đó, các thói quen xấu hàng ngày này cũng có thể xuất phát từ đặc thù công việc. Ví dụ, với những người làm văn phòng, việc ngồi liên tục trong khoảng thời gian dài là điều khó tránh khỏi. Nếu duy trì liên tục một tư thế trong thời gian dài, các đĩa đệm sẽ phải chịu những áp lực nhất định để nâng đỡ cột sống. Điều này cũng xảy ra với cả những người thường xuyên phải mang vác nặng hoặc phải làm việc trong những môi trường khắc nghiệt.
Do thừa cân, béo phì

Các số liệu thống kê cho thấy, những người thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý về cột sống cao hơn những người còn lại. Lý do là bởi đĩa đệm phải gánh chịu một áp lực lớn hơn từ trọng lượng cơ thể. Trải qua một thời gian nhất định, các bao xơ sẽ dần dần suy yếu và dễ dẫn đến bệnh.
Yếu tố di truyền
Bên cạnh các yếu tố tuổi tác, ngoại cảnh và môi trường, tình trạng lồi đĩa đệm còn có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Mặc dù cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào có thể chỉ ra các gen gây bệnh. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, những người có thành viên gia đình từng bị bệnh sẽ có tỉ lệ mắc bệnh này cao hơn những người bình thường.
Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng lồi đĩa đệm còn có thể xảy ra khi người bệnh bị stress quá mức, khi bị mất ngủ hoặc ăn uống thất thường. Các yếu tố như sự thay đổi thời tiết hoặc thói quen lười vận động cũng có thể khiến người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với căn bệnh này cao hơn.
Lồi đĩa đệm có chữa khỏi được không?
Khác với thoát vị đĩa đệm, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được do các bao xơ chưa bị nứt rách và nhân nhầy chưa tràn ra ngoài. Tuy nhiên, người bệnh không nên vì thế mà chủ quan, bởi nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ tiến triển rất nhanh chóng và hình thành các khối thoát vị. Hơn nữa, thời gian để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn là rất lâu và phải kết hợp nhiều phương pháp trị liệu thì mới có thể đem lại hiệu quả.
Phương pháp chữa lồi đĩa đệm hiệu quả
Để chữa trị bệnh hiệu quả, trước hết, các bác sĩ cần xác định rõ nguyên nhân cũng như vị trí, mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh. Sau đó, căn cứ vào tình hình, bạn sẽ được tư vấn một liệu trình trị liệu phù hợp với bản thân. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến được sử dụng trong điều trị tình trạng này.
Điều chỉnh lại tư thế
Tư thế cơ thể là một trong những yếu tố cơ bản nhất và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cột sống. Do đó, muốn chữa lồi đĩa đệm hiệu quả, trước hết bạn cần điều chỉnh lại tư thế của bản thân sao cho ít tạo áp lực lên đĩa đệm nhất. Hãy luôn chú ý luôn giữ thẳng lưng, tránh tư thế ngồi cong vẹo và hạn chế việc khuân vác, bưng bê đồ nặng hay làm việc quá sức. Nếu tính chất công việc bắt buộc phải ngồi liên tục trong thời gian dài, hãy tranh thủ một ít thời gian để vận động nhẹ nhàng, hoặc xoay người đổi tư thế trong chốc lát.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên quan tâm hơn đến việc chọn lựa ghế ngồi và giường nằm. Vì đây là hai vật dụng có liên quan trực tiếp tới việc hình thành các tư thế nằm, ngồi của bản thân. Với những người bị bệnh, hãy hạn chế nằm trên nệm quá mềm hoặc nằm võng, bởi chúng có thể khiến cột sống bị trùng và cong vẹo.
Vật lý trị liệu

Ở giai đoạn sớm của bệnh thoát vị đĩa đệm, các phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc làm giảm đau và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Do đó, các biện pháp vật lý trị liệu như châm cứu, bấm huyệt, massage sẽ được ưu tiên khuyến khích. Bởi lẽ, phương pháp này gần như không hề gây ra tác dụng phụ nào, cũng không gây ra các biến chứng xấu cho cơ thể. Hơn nữa, chúng có tác dụng giảm đau rất tốt và có thể giúp người bệnh khắc phục các triệu chứng hiệu quả.
Trị liệu thần kinh cột sống
Trị liệu thần kinh cột sống là phương pháp nắn chỉnh các đốt sống một cách nhẹ nhàng, nhằm đưa cột sống và đĩa đệm hồi phục lại cấu trúc tự nhiên như ban đầu. Do đó, cách làm này có thể làm giảm đi các áp lực chèn ép lên dây thần kinh. Từ đó, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Luyện tập thể dục thể thao
Với những người bị lồi đĩa đệm, việc luyện tập thể dục thể thao là điều cần thiết để duy trì trạng thái thể chất và tinh thần tốt nhất. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, không phải bài tập nào và môn thể thao nào cũng phù hợp với người bệnh. Để tránh làm tổn thương cột sống, bạn chỉ nên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, tập yoga hoặc đi bộ để thư giãn và giữ cho xương khớp chắc khỏe, dẻo dai. Những bài tập vật lý trị liệu được hướng dẫn bởi các bác sĩ cũng là một gợi ý hay để bạn nhanh chóng hồi phục.
Thay đổi thói quen sống
Như đã nói ở trên, thói quen sống cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tình sức khỏe của người bệnh. Do đó, hãy cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya và không sử dụng các chất kích thích. Điều này không chỉ giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, mà còn hạn chế tối đa tình trạng béo phì hoặc stress quá mức. Đây là hai yếu tố dễ khiến cho tình trạng lồi đĩa đệm thêm nghiêm trọng.
Sử dụng các loại thuốc Tây
Khi bị lồi đĩa đệm, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc Tây nhất định để giảm đau và kiểm soát tốt các triệu chứng. Trong đó, có thể kể đến một số loại thuốc như thuốc giãn cơ để chống co thắt cơ vùng cột sống; thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid tiêm thẳng vào khu vực dây thần kinh bị chèn ép để kiểm soát tình trạng viêm và giảm đau.
Mặc dù các loại thuốc này đem đến hiệu quả nhanh chóng, song chúng thường để lại một số tác dụng phụ nhất định cho cơ thể. Đây cũng là các loại thuốc cần được kê đơn bởi bác sĩ. Người bệnh không được tự ý mua ngoài và tùy ý sử dụng, bởi chúng rất có thể sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng nếu dùng quá liều.
Phẫu thuật
Phồng lồi đĩa đệm rất hiếm khi cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu như tình trạng này kèm theo các khối u chèn ép tủy sống, rễ thần kinh, hoặc kèm theo các dị tật cột sống thì thực hiện phẫu thuật là điều cần thiết. Phương pháp này cũng được áp dụng trong trường hợp mổ cấp cứu khi người bệnh gặp chấn thương hoặc tai nạn nặng.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin liên quan đến tình trạng lồi đĩa đệm cũng như các cách khắc phục. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến độc giả. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!