Gai cột sống là một dạng của thoái hóa cột sống điển hình với sự phát triển của các gai xương. Mặc dù không gây ra nguy hiểm cho tính mạng nhưng bệnh lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc và cuộc sống của người bệnh. Trong nội dung sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về bệnh như nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị, hãy cùng tìm hiểu để chủ động trang bị những kiến thức y khoa hữu ích để bảo vệ sức khỏe xương khớp.
Gai cột sống là gì?
Căn bệnh này hay gai đốt sống là tình trạng các gai xương mọc ra ở các đốt sống, gây chèn ép vào rễ thần kinh và dẫn đến những cơn đau cho người bệnh. Cụ thể hơn, quá trình này được mô tả như sau: Khi cơ thể già đi, sự mất nước và độ ẩm khiến đĩa đệm bị hao mòn.

Dây chằng cố định xương cũng trở nên lỏng lẻo. Để phản ứng lại, cơ thể tạo ra các gai xương ở phía ngoài và hai bên của cột sống nhằm duy trì sự ổn định và giảm bớt căng thẳng cho cột sống. Tình trạng này nếu không được xử lý sớm, duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến gai xương cột sống.
Các gai xương có thể mọc tại bất kỳ vị trí nào trên cột sống, trong đó cổ và thắt lưng là hai khu vực gai cột sống phát triển mạnh hơn cả. Bởi đây là bộ phận thường xuyên phải chịu những áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể.
Đây cũng là dấu hiệu điển hình của lão hóa tự nhiên, do đó, người cao tuổi thường là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Nhưng hiện nay, bệnh đã trở nên phổ biến ở không ít người trẻ do thói quen sống và làm việc chưa hợp lý.
Nguyên nhân gai cột sống
Sự hình thành của gai xương cột sống được lý giải do sự suy yếu của dây chằng, đĩa đệm, sụn khớp. Theo thời gian, các chuyên gia đầu ngành cũng chỉ ra nhiều yếu tố khác khiến cho bệnh xuất hiện. Cụ thể:
- Thoái hoá đốt sống: đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gai ở đốt sống. Thoái hoá cột sống khiến sụn khớp bị bào mòn, vỡ nứt. Cơ thể nhận thấy tình trạng này sẽ lập tức cung cấp thêm canxi. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra không giống nhau giữa các khu vực nên dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu. Vị trí thiếu canxi xương sẽ bị lõm, trong khi đó, vùng thừa canxi sẽ trở nên gồ ghề và hình thành nên các gai xương.
- Viêm khớp cột sống mãn tính: Đây là nguyên nhân dẫn tới gai cột sống, tình trạng là hiện tượng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau. Lúc này, cơ thể sẽ tiến hành tự điều khiến bằng cách giảm bớt áp lực và sự cọ xát, hệ quả gây ảnh hưởng đến toàn bộ khớp cột sống, khiến đốt sống bị xơ hóa, mọc gai.
- Sự lắng đọng canxi: thường xảy ra ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống do quá trình lão hóa.
- Tuổi tác dẫn tới gai cột sống: ở những người cao tuổi, quá trình thoái hóa sụn khớp gia tăng, điều này cũng tạo điều kiện để các gai xương hình thành
- Tư thế sinh hoạt, làm việc chưa khoa học: những người thường xuyên làm các công việc nặng, không thay đổi tư thế khi làm việc, đi, đứng, ngồi, nằm,… sai tư thế sẽ gây ra những áp lực không nhỏ cho cột sống.
- Yếu tố di truyền: một số nghiên cứu cho thấy gai cột sống có yếu tố di truyền, bởi vậy, nếu trong gia đình bạn có thành viên đã từng bị bệnh thì bạn cần đi khám cột sống càng sớm càng tốt.
- Chấn thương: các chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã cao,… nếu không được điều trị triệt để cũng làm cho cột sống bị tổn thương và tiến triển âm thầm với sự xuất hiện của gai xương cột sống.
- Các nguyên nhân khác: thừa cân, béo phì, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… cũng có thể dẫn đến gai cột sống.
Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình chẩn đoán và điều trị của bác sĩ sau này.
Dấu hiệu gai cột sống

Theo Đại tác, Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (Nguyên Trưởng phòng điều trị Viện YHCT Quân đội): “gai xương cột sống có kích thước rất nhỏ và phần lớn chỉ xuất hiện ở mặt trước và bên của cột sống, do đó không phải ai cũng có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bệnh có thể âm ỉ trong 1 đến nhiều năm. Chỉ khi gai hình thành với kích thước lớn, cọ xát vào các xương khác hoặc dây chằng, rễ dây thần kinh… thì người bệnh mới có thể nhận thấy được những cơn đau”.
Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của gai cột sống mà người bệnh có thể tham khảo:
- Đau buốt vùng cổ hoặc thắt lưng: tùy vào từng vị trí gai xương hình thành mà người bệnh nhận thấy các cơn đau xuất hiện ở các khu vực khác nhau. Ở giai đoạn đầu thường là cảm giác cứng, mỏi cột sống, tình trạng này có thể được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiêu, khi bệnh trở nên nặng hơn, bạn có thể sẽ phải gánh chịu cảm giác đau buốt ở vùng bị gai cột sống, cơn đau tăng khi người bệnh vận động.
- Các chi đau nhức: trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, các cơn đau có thể lan ra các khu vực xung quanh như vai, cánh tay (gai đốt sống cổ) hoặc hông, đùi, cẳng chân, bàn chân (gai đốt sống lưng).
- Cảm giác tê bì, mất cảm giác ở các chi: sự chèn ép của gai xương vào dây thần kinh sẽ làm tay chân người bệnh có cảm giác tê bì, ngứa râm ran như kiến bò. Ở trường hợp xấu hơn, người bệnh có thể mất hoàn toàn cảm giác.
- Rối loạn chèn ép dây thần kinh: đây là một trong những triệu chứng không phổ biến ở những người bị gai cột sống với các biểu hiện như: tụt huyết áp, tăng tiết mồ hôi, khó thở…
- Rối loạn thần kinh thực vật: tình trạng này gây ra dấu hiệu tiểu tiện không tự chủ vì đường ống dẫn tủy bị thu hẹp bởi sự phát triển của các gai xương.
- Mất cảm giác: người bệnh có thể sẽ mất cảm giác ở phần cột sống có gai xương, kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, yếu cơ…
Nếu nhận thấy một trong các triệu chứng nêu trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Gai cột sống có nguy hiểm không?
Gai xương cột sống không đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người, nhưng các triệu chứng của bệnh không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là các biến chứng khôn lường. Cụ thể:
- Vận động khó khăn, không thể tiếp tục làm việc và thực hiện các sinh hoạt bình thường
- Thay đổi huyết áp: biến chứng này gây ra do rối loạn thần kinh thực vật, huyết áp có thể tăng cao hoặc hạ xuống, khiến người bệnh dễ mắc chứng rối loạn hô hấp.
- Thoát vị đĩa đệm: Đây là một trong những biến chứng gai cột sống khi hệ thống các dây thần kinh chèn ép quá sâu đến rễ thần kinh, những phần bị chèn ép lâu ngày sẽ thoái hóa và biến thành thoát vị đĩa đệm, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm gia tăng nguy cơ bị teo cơ, bại liệt.
- Rối loạn tiền đình: biến chứng này phổ biến ở những người bị thoái hóa đốt sống cổ. Do tổn thương ở vùng cột sống ảnh hưởng đến rễ thần kinh xung quanh nên làm cho lượng máu và lượng oxy dẫn truyền lên não bị hạn chế, gây ra tình trạng rối loạn tiền đình.
- Teo cơ, bại liệt, mất khả năng lao động: đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất ở những người bị gai cột sống. Tình trạng này xảy ra do hệ thống dây thần kinh bị chèn ép quá lâu, cùng với áp lực của cột sống khiến các dây thần kinh dần mất chức năng vận động, gia tăng nguy cơ bại liệt.
Gai cột sống có chữa khỏi được không?
Giống như hầu hết các bệnh xương khớp khác, gai xương cột sống khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, đặc biệt nguyên nhân bắt nguồn từ hiện tượng thoái hóa tự nhiên. Mặc dù vậy, các triệu chứng của gai cột sống vẫn có thể được đẩy lùi nếu bệnh được phát hiện và điều trị bằng một phương pháp phù hợp.
Bên cạnh việc tuân thủ các chỉ định được đưa ra, người bệnh cũng cần lưu ý về chế độ ăn uống cũng như luyện tập để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Cách điều trị gai cột sống
Một số cách điều trị bệnh phổ biến bao gồm:
Điều trị không dùng thuốc
Trong trường hợp các cơn đau ở mức độ nhẹ, các triệu chứng chưa nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng một số biện pháp giúp giảm triệu chứng, ức chế quá trình hình thành các gai cột sống, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Một số phương pháp không dùng thuốc thường được sử dụng bao gồm các bài tập phục hồi chức năng, massage, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung,… hoặc các bài thuốc dân gian cũng mang lại những hiệu quả nhất định.
- Các bài tập phù hợp: việc luyện tập các động tác nhẹ nhàng với cường độ vừa phải sẽ giúp thư giãn cho cột sống, tăng cường sức đề kháng, hạn chế những tổn thương ở vùng cột sống
- Massage: mặc dù không thể chấm dứt các triệu chứng của gai cột sống nhưng massage sẽ góp phần giảm bớt các cảm giác nhức mỏi, khó chịu, tạo điều kiện để các biện pháp trị liệu khác phát huy tác dụng tốt nhất.
- Vật lý trị liệu: phương pháp vật lý trị liệu cùng được áp dụng nhằm tác động lên các điểm chèn ép, khai thông kinh lạc, từ đó giảm các cơn đau nhức nhanh chóng.
Điều trị bằng thuốc dân gian
Với nguồn nguyên liệu dễ kiếm, an toàn, chi phí thấp, các bài thuốc chiết xuất từ cây thuốc nam như lá lốt, ngải cứu, đinh lăng,… cũng hỗ trợ đẩy lùi một số triệu chứng của gai xươngcột sống. Dưới đây là một số bài thuốc mà người bệnh có thể tham khảo:
Chữa gai cột sống bằng đinh lăng
Theo Y học cổ truyền, đinh lăng có vị hơi đắng, ngọt, tính mát, có tác dụng bồi bổ khí huyết, thông huyết mạch, giải độc và giảm đau.
Ngoài ra rễ, thân và cành đinh lăng còn có tác dụng điều trị tê thấp, giảm đau lưng, tê bì, đau cột sống do thoái hóa cột sống hoặc gai xương cột sống.

Chuẩn bị nguyên liệu: 20 gram rễ đinh lăng
Cách thực hiện:
- Đem rễ đinh lăng rửa sạch, thái mỏng và phơi ráo
- Sao rễ đinh lăng đến khi vàng
- Cho nguyên liệu vào ấm và sắc với 500ml nước lọc, đun đến khi còn một nửa thì tắt bếp
- Lọc lấy nước thuốc, chia thành 3 phần và uống trong ngày.
- Người bệnh kiên trì áp dụng trong khoảng 15 ngày để nhận được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bài thuốc từ lá lốt trị gai cột sống
Lá lốt có tính ấm, có tác dụng tán hàn, trừ thấp nhiệt, kích thích lưu thông khí huyết và giảm đau nhức xương khớp. Bên cạnh đó, trong loại thảo dược này cũng có chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, chống nhiễm khuẩn, giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp khác như gai xương cột sống, đau dây thần kinh tọa,…
Chuẩn bị nguyên liệu: lá lốt, muối hạt, miếng vải sạch
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá lốt, để ráo
- Sao nóng lá lốt với muối hột
- Cho nguyên liệu vào miếng vải đã chuẩn bị và chườm lên vị trí đau khoảng 20 phút
- Mỗi ngày người bệnh thực hiện khoảng 2 – 3 lần, liên tiếp trong 15 ngày.
Điều trị gai cột sống dùng thuốc
Ngoài các phương pháp nêu trên, ở tình trạng nặng, người bệnh cần được nghỉ ngơi và sử dụng các loại thuốc Tây. Các nhóm thuốc thường được chỉ định sẽ bao gồm thuốc chống viêm và thuốc giãn cơ.
- Thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả trong việc giảm đau lưng và cổ do gai xương cột sống. Một số loại thuốc như ibuprofen và naproxen, acetaminophen và tramadol cũng có tác dụng chống cơn đau.
- Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine và tizanidine được biết đến với tác dụng giảm co thắt cơ liên quan đến gai cột sống.
Mặc dù mang đến một số hiệu quả nhất định nhưng các loại thuốc Tây có thể dẫn đến các tác dụng phụ khó lường như đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày, buồn nôn,… Bởi vây, khi sử dụng thuốc Tây, người bệnh cần tuân thủ những chỉ định nghiêm ngặt từ bác sĩ chuyên môn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật chữa gai cột sống thường là phương pháp được cân nhắc cuối cùng đối với trường hợp xuất hiện các biên chứng như chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh, gây tê chân, tay, rối loạn đại, tiểu tiện.
Sau phẫu thuật, gai xương có thể mọc trở lại ở cùng vị trí cũ, do vậy, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chú ý tư thế khi học tập và làm việc để hạn chế nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, sau khi phẫu thuật, bạn cũng đặc biệt cần tuân thủ lộ trình điều trị và tái khám định kỳ để phát hiện và xử trí diễn tiến xấu kịp thời.
Trên đây là những thông tin về bệnh gai cột sống, hy vọng đã mang đến cho quý độc giả những kiến thức hữu ích. Tốt nhất, ngay khi có những triệu chứng của bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.