Chúng ta đã từng nghe rất nhiều về căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, rất ít người có thể hiểu một cách đầy đủ và chính xác về cấu tạo của đĩa đệm cũng như các chức năng của từng bộ phận cấu thành. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này cũng như các bệnh lý thường gặp liên quan đến đĩa đệm nhé.
Tìm hiểu đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là một cấu trúc dạng sợi xếp theo vòng tâm, nằm ở giữa các đốt sống. Bên trong mỗi đĩa đệm chứa các nhân nhầy keo đặc từ gelatin. Còn bên ngoài thì được bao bọc bởi vỏ bao xơ cực kỳ chắc chắn. Do cấu tạo của đĩa đệm đặc biệt như vậy, chúng thường được ví như một chiếc đòn giảm xóc của xe máy, có tác dụng làm giảm các chấn động, giúp cơ thể chịu đựng được các lực tác động tốt hơn.

Đồng thời, chúng cũng đóng vai trò như một lớp đệm giữa hai đốt sống, vừa giúp giảm ma sát, va chạm giữa các cấu trúc xương, vừa liên kết chúng thành một khối linh hoạt, thống nhất.
Cấu tạo của đĩa đệm
Cấu tạo của đĩa đệm có thể chia thành 3 phần chính: Phần nhân keo (dịch nhầy bên trong), phần bao xơ (bao bọc bên ngoài) và phần mâm sụn (nằm giữa bao xơ và mâm sụn đốt sống).
Phần nhân nhầy
Nhân nhầy của đĩa đệm là một dạng hỗn hợp hoạt dịch không màu, trong suốt và được cấu tạo từ các proteoglycans. Trong đó, thành phần của dịch nhầy này bao gồm chủ yếu các hợp chất như axit hyaluronic (HA), chondroitin sulfate, dermatan sulfat, krato sulfat,… Đây đều là những hoạt chất có tính ngậm nước rất cao. Vì thế, chúng có thể khiến cho đĩa đệm có độ đàn hồi và khả năng chịu lực cực tốt.
Cụ thể, khi có lực tác động từ bên ngoài, nhân keo sẽ thoát bớt nước để đĩa đệm xẹp dần xuống. Điều này giúp cho lực tác động bị phân tán khắp bề mặt đĩa đệm và bị triệt tiêu dần dần. Do đó, cột sống sẽ tránh được các chấn thương bất ngờ hay bị tổn thương do ngoại lực. Sau khi các lực bị triệt tiêu hết, phần nhân keo này sẽ nhanh chóng hút nước lại và phồng lên, khiến cho đĩa đệm hồi phục lại trạng thái ban đầu.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khả năng ngậm nước của nhân keo sẽ thay đổi theo tuổi tác. Ở độ tuổi trẻ em, có tới hơn 80% thành phần hóa học của nhân keo chính là nước. Trong khi đó, với những người cao tuổi, tỉ lệ này giảm chỉ còn 60%. Do đó, khi tuổi càng cao, độ đàn hồi của đĩa đệm càng giảm.

Phần bao xơ
Bao xơ là một cấu trúc vòng sợi bao bọc bên ngoài nhân nhầy. Chúng được hình thành từ các sợi collagen cực kỳ dẻo dai, chắc chắn và có độ đàn hồi cao. Mặt ngoài của bao xơ bám vào màng xương và viền đốt sống, còn mặt trong thì bám lấy bề mặt tấm sụn sống lưng. Do đó, chúng có thể liên kết các đốt sống lại với nhau, đảm bảo giữ đúng trục của cơ thể. Cũng bởi cấu tạo đặc biệt này, các vòng sợi còn được ví như một chiếc dây phanh, giúp giới hạn sự vận động của các đốt sống khi chúng bị căng hết mức do các lực tác động, đặc biệt là lực vặn xoắn hoặc lực xoay ngang. Mặt khác, chính cấu trúc sợi này cũng góp phần giúp cho chúng ta có thể chuyển động xoay vặn cơ thể. Bởi lẽ, vòng sợi này được cấu tạo từ collagen rất dẻo dai nên chúng hoàn toàn có thể co dãn được.
Bên cạnh đó, cấu trúc và chức năng của bao xơ còn có liên hệ mật thiết với phần nhân nhầy. Với cấu trúc vòng sợi, nó không chỉ giúp cho nhân nhầy giữ được vị trí nằm ở trung tâm, mà còn giúp phân tán đều lực từ bộ phận này khi có áp lực tác động lên cột sống. Vì thế, bao xơ không chỉ là nơi chứa nhân nhầy, bảo vệ nhân nhầy mà còn được coi là đòn giảm sóc của cơ thể.
Tấm sụn tận cùng
Tấm sụn tận cùng của mỗi đĩa đệm là phần nằm giữa lớp ngoài của các bao xơ và mâm sụn thân sống. Chúng có tác dụng như là một lớp bảo vệ đồng thời cho cả hai bộ phận mà nó tiếp xúc, tức vừa giúp cho thân đốt sống bị nhân nhầy chèn ép, vừa tránh cho đĩa đệm không bị rách và nhiều khuẩn. Bên cạnh đó, các tấm sụn này còn có chức năng như một cầu nối giúp trao đổi chất lỏng giữa đĩa đệm và thân đốt sống. Bởi lẽ, ở người trưởng thành, cấu tạo của đĩa đệm hoàn toàn vô mạch. Do đó, mọi sự trao đổi dinh dưỡng và bài tiết đều được khuếch tán thông qua vòng sợi và mâm sụn giữa các đốt sống kế cận.
Chức năng của đĩa đệm
Nhờ sự phối kết hợp giữa 3 cấu trúc nhân nhầy, mâm sụn và bao xơ, đĩa đệm có thể thực hiện được các chức năng cơ bản của mình đối với cột sống.
Nối các đốt sống
Bản chất của đốt sống là các xương cứng. Vì thế, chúng không thể tự liên kết với nhau và cũng không thể đàn hồi. Tuy nhiên, nhờ có các đĩa đệm nằm xen kẽ với nhau, kết hợp cùng hệ thống dây chằng mà cột sống có thể có được những khả năng này. Đĩa đệm không chỉ là nơi nối các đốt sống mà còn giúp giữ vững cấu trúc trục cho cơ thể. Ngoài ra, nhờ vào khả năng đàn hồi của mình, đĩa đệm còn có thể giúp cho cột sống có thể xoay vặn theo các hướng với một biên độ nhất định.

Phân tán và chịu lực
Sự kết hợp giữa tính mềm dẻo, đàn hồi của dịch nhầy và bao xơ, kết hợp với cấu trúc của mâm sụn chính là nguyên nhân hình thành nên khả năng phân tán và chịu lực của đĩa đệm. Khi cơ thể vận động, các đốt sống sẽ ít nhiều bị xoắn lại và đĩa đệm trở thành điểm tựa trung tâm cho các chuyển động trượt của đốt sống. Vì thế, chúng có thể tạo ra môi trường vận động nhất định cho cột sống.
Quan trọng hơn, nhờ cấu tạo của đĩa đệm mà các mọi sự vận động hay lực tác động bên ngoài đều được phân tán và giảm đi đáng kể. Các chấn động này khi đi qua cấu trúc vòng sợi, mâm sụn và nhân nhầy đều được hấp thụ và trải đều dọc theo cả chiều ngang và chiều dọc của cột sống. Vì thế mà nó được ví như một chiếc đòn giảm xóc của cơ thể.
Hỗ trợ trao đổi chất
Như đã nói ở trên, đĩa đệm là một cấu trúc hoàn toàn vô mạch. Vì thế, sự trao đổi chất giữa các đốt sống sẽ có sự khác biệt nhất định. Thông qua các màn của vòng sợi và mâm sụn, các chất dinh dưỡng sẽ khuếch tán và di chuyển tới các đốt sống tiếp theo.
Những bệnh lý liên quan tới đĩa đệm thường gặp
Cấu tạo của đĩa đệm được hình thành từ sự liên kết của bao xơ, nhân nhầy và mâm sụn. Do đó, những bệnh lý liên quan đến đĩa đệm thường xảy ra khi cấu trúc của bộ phận này có sự thay đổi nhất định. Đó có thể là sự thoái hóa đĩa đệm do tuổi tác, phồng lồi đĩa đệm do phần bao xơ bị giảm đi sự đàn hồi, hoặc vỡ đĩa đệm do chấn thương quá mức. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng đều khiến cho phần bao xơ bị rách và nhân nhầy tràn ra ngoài, tạo nên khối thoát vị. Tình trạng này được gọi chung là thoát vị đĩa đệm-một bệnh lý liên quan phổ biến nhất.
Thoát vị đĩa đệm có thể bắt đầu bằng sự thoái hóa và mỏng dần của bao xơ, khiến cho đĩa đệm bị phồng lồi và chèn ép vào một số dây thần kinh. Ở giai đoạn này, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc tiến hành đốt laser qua da để tiêu hủy một phần nhân nhầy, giúp cho áp lực nội đĩa giảm. Tuy nhiên, khi lớp bao xơ đã rách, nhân nhầy tràn ra ngoài hình thành nên khối thoát vị thì chúng có thể gây chèn ép rất nhiều cơ quan xung quanh như mạch máu, tủy sống hoặc rễ thần kinh. Lúc này, ngoài các biện pháp đã kể trên, việc phẫu thuật có thể được cân nhắc để loại bỏ khối thoát vị và thay thế đĩa đệm nhân tạo.
Trên đây là một số thông tin tổng hợp về cấu tạo của đĩa đệm cũng như chức năng của từng bộ phận và các bệnh lý liên quan. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức bổ ích. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!